Bia "Thanh Hư Động" Chùa Côn Sơn

Bia Thanh Hư Động
清虛洞碑
Bảo vật quốc gia số 16, đợt 4
Bia Thanh Hư Động (mặt trước)
Chất liệuĐá
Chiều cao165cm
Chiều rộng98cm
Chiều dày17cm
Khối lượng1 tấn
Hệ chữ viếtChữ Hán
Niên đạikhoảng 1372-1377
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Địa điểm phát hiệnNúi Côn Sơn
Thời điểm phát hiện1602
Phát hiện bởiNhà sư Mai Trí Bản

Bia Thanh Hư Động là hiện vật độc bản, lưu giữ ngự bút của vua Trần Duệ Tông, có giá trị rất lớn về lịch sử, thư pháp, mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015[25]. Hiện bia được đặt trong nhà bia nằm trên sân chùa Côn Sơn, bên phải cổng chùa.[26]

Việc tạo tác bia được Nguyễn Phi Khanh nhắc đến ở bài ký trong Nhị Khê thi văn tập:

(...) tất cả khu đó được gọi chung là "Thanh Hư động". Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá (...)

(...) Tháng chạp năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ tám (1384)

— Nguyễn Phi Khanh, Thanh Hư Động ký[lower-alpha 2][27]

Hình thức

Bia có kích thước lớn (165 cm x 98 cm x 17 cm), trán cong. Toàn bộ thân bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Mặt trước trán bia khắc 4 chữ Hán theo thể chữ triện: Long Khánh Ngự Thư trong khung chữ nhật (22 cm x 25 cm) (Long Khánh là niên hiệu của Trần Duệ Tông 1372 – 1377). Giữa bia đề ba chữ lớn “Thanh Hư Động” viết theo lối lệ thư chân phương. Mỗi chữ kích thước 35 cm x 35 cm. Xung quanh diềm bia trang trí hình rồng triện gẫy khúc. Mặt sau của bia có khắc bài ký “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Trán bia mặt sau có hình mặt trời, diềm bia trang trí hoa dây đơn.[28]

Niên đại

Các nhà nghiên cứu trước đây đã có những tranh luận trái chiều về niên đại của tấm bia này. Có hai luồng ý kiến[28]:

  • Quan điểm thứ nhất: bốn chữ Long Khánh Ngự Thư nghĩa là Vua (có niên hiệu) Long Khánh tự tay viết chữ, cùng với hình thức trang trí mặt bia đã khẳng định đây là ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Mặt sau vốn khắc bài minh Côn Sơn Thanh Hư Động bi minh của vua Trần Nghệ Tông, năm 1602 bài minh này bị mài đi và khắc đè lên bài ký Côn Sơn Tư Phúc tự bi.
  • Quan điểm thứ hai: Ba chữ "Thanh Hư Động" ở mặt trước được khắc lại vào năm 1603, mặt sau bia được khắc năm 1602.

Tuy nhiên, các phân tích về văn bản học và đối chiếu hình tượng con rùa đá đã cho thấy bia và ba chữ Thanh Hư Động đúng là có niên đại thời Trần. Thứ nhất, Trong chữ Thanh (清) trên bia, phần chữ "Nguyệt" (月) đã bị thay nét ngang trên bằng vòng tròn. Các chữ húy thời Trần (chữ "Thừa", chữ "Tộ") đều có một nét bị thay bằng một vòng tròn. Chữ "Nguyệt" cũng là một chữ húy, được quy định từ thời Trần Anh Tông:

Kỷ Hợi năm thứ 7 [1299], (Nguyên Đại Đức năm thứ 3)

Mùa xuân, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ huý của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên huý là Liễu, Thiện Đạo tên huý là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng.

— Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển VI[29]

Điều đáng nói là trong bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" ở mặt sau bia thì tất cả các chữ "Nguyệt" không hề kiêng húy mà vẫn viết đủ nét. Thêm vào đó, một tấm bia khác đặt ngay gần là bia Phụng lệnh dụ cung cấp tam bảo tạo lệ bi kí/ Khôi tạo trùng tu Phật tổ Côn Sơn Tư Phúc tự dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) đã nhắc đến địa danh "Thanh Hư Động" hai lần nhưng chữ "Nguyệt" không hề kiêng húy.[28]

Thứ hai là hình dạng con rùa đội bia Thanh Hư Động: mai trơn, đầu rùa tạc rõ hai mắt và sống mũi, cổ nghển cao, đuôi vắt lên mai, bốn chân có năm móng quắp lại. Hình dạng con rùa này rất giống với con rùa ở bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi có niên đại xác định là 1362. Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi cũng kiêng húy chữ Nguyệt triệt để, khẳng định niên đại thời Trần của bia.[30] Một bia khác ở Chùa Côn Sơn cũng có rùa đội là bia Trùng tu Tư Phúc tự bi niên đại Hoằng Định tứ niên (1603). Con rùa ở bia này có hình thức rất khác, không ngóc đầu lên, không có đuôi, mai xù xì và úp sát đất.[28]

Thứ ba là diềm chân bia ở mặt trước có khắc hình rồng triện gãy khúc đã mờ, có nhiều chữ khắc đè lên. Rõ ràng hình rồng và chữ đè lên không thể khắc cùng một thời điểm. Trang trí diềm chân bia phải có trước (thời Trần) rồi sau này khi hình rồng bị mờ thì người ta mới khắc tên những người công đức xây chùa vào năm 1603 đè lên chữ.[28]

Qua đó có thể thấy bia Thanh Hư Động không thể có niên đại thời Lê trung hưng (niên hiệu Hoằng Định) mà có niên đại từ thời Trần (niên hiệu Long Khánh).[28]

Minh văn

Bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" ở mặt sau bia ghi niên đại "Hoằng Định tam niên" (1602), chữ viết thành 29 cột, mỗi cột từ 2 - 45 chữ. Nội dung tóm tắt như sau[28]:

Chùa Tư Phúc là nơi Trần Minh Tông tu thân học đạo. Vị tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang từng trụ trì tại đây. Nay chùa đã hư hỏng, nhà sư trụ trì là Mai Trí Bản đứng ra hưng công, cùng mọi người xây dựng lại tam quan, phòng oản. Nay khắc bia ghi tên họ những người đã công đức.

Trong Việt âm thi tập còn ghi lại một bài minh có tựa đề Côn Sơn Thanh Hư Động bi minh (Bài minh khắc vào bia Thanh Hư Động) của Trần Nghệ Tông. Vì thế bài minh này được cho là đã khắc lên mặt sau của bia Thanh Hư Động cùng thời điểm với ba chữ "Thanh Hư Động" ở mặt trước, nhưng sau đó đã bị khắc đè lên vào đợt trùng tu chùa năm 1602. Nội dung bài minh như sau[31]:

Côn Sơn Thanh Hư động bi minhTư đồ sáng am[lower-alpha 3],Vu bỉ ngâm khâm.Khởi hữu nguyện ư độc lạc,Cái ngụ ý hồ đăng lâm.Nhật toạ bàn thạch, tắc dục trí quốc thế chi an,Nhật phủ thanh lưu, tắc dục tư quốc luận chi thâm.Âm mậu thụ, tắc khuếch ngô dân chi đại tí,Ỷ tu trúc, tắc dục trí hiền sĩ chi như lâm.Phụ tán ngã trị, vô hữu hà tâm,Thử trẫm sở dĩ thán nhi thư vu sơn chi âm giả dã.

Dịch nghĩa:

Tư đồ dựng am,Trên núi thâm nghiêm.Há phải muốn riêng mình vui thú,Chính là để ngụ cái ý lên cao.Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn,Cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu vào việc nước.Nương dưới bóng cây là muốn mở rộng được sự che chở cho dân,Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ.Ông giúp ta trị nước, chứ không có tâm địa gì,Trẫm thương tiếc, nên tìm hòn đá đẹp ghi vào lời này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa Côn Sơn http://nomfoundation.org/nom-project/history-of-gr... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Con-Son-Kiep-Bac... http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Sap-khai-hoi-Con-Son... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/243803/dac-sa... http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Bao-vat-quoc-... http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hai-den-tho-dan...